PV: Viettel có tự tin sẽ sáng tạo ra một vũ khí công nghệ đặc sắc vượt trội như “nỏ thần” cho Việt Nam?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Cái đấy thì chắc chắn là chúng ta tự tin, bằng chính sách điều hành cũng như tầm nhìn của Tập đoàn thì đang đi vào hiện thực.
Có 2 điểm khác biệt của Viettel: Thứ nhất là trong cách nghiên cứu; thứ hai là chất lượng và tính năng của sản phẩm.
Đối với nghiên cứu, chúng ta là đất nước đi sau thế giới, về hạ tầng nghiên cứu cũng như công nghệ lõi, đặc biệt là các khoa học cơ bản, cho nên chúng ta tổ chức các hoạt động nghiên cứu phải nhanh, phải đứng được, phải tích lũy được các kinh nghiệm của thế giới để đưa sản phẩm vào thị trường nhanh nhất.
Từ biện pháp tổ chức nghiên cứu ấy thì chúng ta có thể thiết kế ngược, từ các tính năng sản phẩm thì chúng ta quay trở lại thiết kế hệ thống, đặt ra các chỉ tiêu và chúng ta đi nhanh và có sản phẩm so sánh. Thứ hai là chúng ta đi cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những module có tính công nghệ vừa phải mà thế giới đã chín muồi rồi thì chúng ta có thể tích hợp vào sản phẩm nhanh, chúng ta làm chủ công nghệ lõi, làm chủ những module thành phần cốt yếu cao nhất để đưa vào sản phẩm.
Về khác biệt về chất lượng thì Viettel khác với các doanh nghiệp cả nước là chúng ta làm chuẩn theo thế giới, từ chuẩn về tham số điện đến cơ khí môi trường đều chuẩn theo thế giới. Chúng ta là đơn vị quân đội, được các đơn vị quân đội trực tiếp tham gia trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm.
Tóm lại, sự khác biệt của nghiên cứu của VHT là công nghệ và chất lượng thế giới, tính năng và các cái điều kiện hoạt động được may đo phù hợp với nhiều phương thức cũng như điều kiện vận hành đảm bảo kỹ thuật của khách hàng.
PV: Công nghệ quân sự đòi hỏi bản sắc riêng, theo anh đâu là điểm khác biệt công nghệ quân sự ở Viettel?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Có nhiều điểm đặc sắc ở Viettel, thứ nhất chúng ta có một thế mạnh là đơn vị quân đội nên nhận được sự đặt đầu bài và song hành cùng nghiên cứu, phát triển từ khách hàng đặc biệt là Bộ Quốc phòng. Đặc sắc thứ 2 của Viettel là theo triết lý của Tập đoàn, chúng ta luôn luôn sở hữu công nghệ lõi, khác với việc sao chép đơn thuần, chúng ta làm có tư duy đột phá, điều này khác với nhiều doanh nghiệp trong khu vực. Chúng ta qua giai đoạn sao chép lâu rồi, mà chúng ta học hỏi sáng tạo, đi song hành với thế giới, chủ động trong việc tổng hợp thông tin trên thế giới để từ đó sáng tạo, đưa vào sản phẩm của mình đi nhanh nhất.
PV: Ban đầu khi bắt đầu nghiên cứu sản xuất thiết bị viễn thông, chúng ta đặt ra mục tiêu cho việc này như thế nào? Viettel phải làm chủ những gì thưa anh?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Ước mơ của Tập đoàn là làm chủ tất cả mọi thành tố cấu tạo nên thiết bị hạ tầng mạng viễn thông.
Nhưng điều mong muốn trước nhất, và cũng thuận lợi nhất cho người Viettel là phải nghiên cứu thành công mạng lõi. Bởi thứ nhất, thiết bị mạng lõi ít ảnh hưởng bởi hạ tầng phần cứng. Thứ hai, kiến thức về mạng lưới chúng ta đã có. Thứ 3 là kiến thức về công nghệ thông tin ở Việt nam khá tốt.
Sau mạng lõi thì chúng ta làm đến một thứ mà mọi người đều nói là rất rất khó - Trạm phát vô tuyến (trạm BTS). Rất nhiều người nói rằng Viettel không thể làm được. Viettel đã ấp ủ làm chủ trạm BTS từ khi làm 2G, rồi 3G, lên đến 4G thì khát khao chín muồi và cơ hội cũng chín muồi. Vậy là chúng ta làm. Mặc dù 4G của chúng ta đi sau thế giới đó lại là bước đà hoàn hảo để đến 5G thì chắc chắc Viettel đã gần như cùng nhịp được với thế giới.
PV: Hiện có 3 cách nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghiệp quốc phòng trên thế giới: Một là, nghiên cứu phát triển sản phẩm dân sự rồi tạo ra tính năng ưu việt hơn để áp dụng cho sản phẩm quân sự. Hai là, phát triển sản phẩm quân sự rồi dùng tính năng công nghệ thấp hơn để phục vụ dân sự. Ba là song hành cả 2 mảng dân sự, quân sự và tiếp tục ứng dụng công nghệ chéo. VHT đang đi theo cách làm nào?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Thực ra bây giờ ranh giới rất mờ. Quân sự yêu cầu tính chính xác và ổn định rất là cao. Dân sự thì người ta có thể bao dung trong việc chấp nhận công nghệ mới hơn rất nhiều, nhưng mà có dân sự, có sự bao dung đấy thì sẽ tạo ra sự thử nghiệm và đánh giá tính ổn định tốt hơn quân sự. Tóm lại là ranh giới không còn rõ ràng như trước đây nữa. Trước đây, thời Chiến tranh lạnh, thời công nghiệp chưa phát triển, mọi nguồn lực đều dành cho quân sự. Bây giờ, trên thế giới vẫn còn xung đột ở nơi này, nơi kia, nhưng mà mục tiêu trọng tâm là dành cho dân sinh, cho đất nước phát triển nên là những công nghệ ưu tiên thì bây giờ rất rộng, tính ứng dụng chéo nhau rất linh hoạt, cho nên phải chọn đi theo cách linh hoạt, không đi theo cách cố định như truyền thống nữa.
PV: Công nghệ Việt Nam tốt hơn công nghệ thế giới. Liệu lời khảng định ấy có …. quá đà không?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Sẽ là quá đà nếu chúng ta chỉ nói mà không làm được. Xin nhắc lại một cơ hội thời đại là: đi thẳng vào xu hướng công nghệ mới nhất thì không có người trước người sau. Chúng ta đang cùng vạch xuất phát với thế giới nên không có gì là không thể.
PV: Các kĩ sư ở VHT là những người cống hiến, hi sinh tận tụy, có thể ngày đêm sống chết vì sản phẩm nhưng về mặt công nghệ thì người VHT đã đáp ứng được yêu cầu phát triển sản phẩm hay chưa, anh đánh giá như thế nào về trình độ kĩ sư ở VHT?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Tôi đánh giá theo khách quan, nhìn theo các sản phẩm của chúng ta. Đấy cũng là một cái minh chứng về công nghệ cũng như chất lượng kĩ sư của VHT đã hoàn toàn tự tin vào năng lực cũng như khả năng xứng tầm với thế giới. Kĩ sư của VHT là một trong những đội ngũ có sự chuyên tâm vào sản phẩm không kém đội ngũ kỹ sư một nước nào, nhà công nghiệp lớn nào trên thế giới, cả về chuyên môn và về nỗ lực làm việc.
Về chủ quan, mặc dù đội ngũ kỹ sư của chúng ta có những thay đổi rất nhiều, nhưng mà nhân sự key, nhân sự chủ chốt tương đối ổn định. Đội ngũ này đã cùng với tập đoàn, lãnh tạo VHT liên tục phát triển các công nghệ lõi xứng tầm thế giới.
PV: Bí kíp VHT chọn người là gì?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Thực ra VHT luôn duy trì truyền thống hàng chục năm nay rồi, từ thời kháng chiến, rồi các định hướng của các thủ trưởng trước thì tuyển chọn luôn là khâu quan trọng nhất, nguồn lực về con người luôn được đặt lên hàng đầu. Tiêu chí của VHT đầu tiên là cái tâm, trung thực trong thực hiện nhiệm vụ; thứ hai là trí tuệ, thứ ba là đức. Về trí tuệ bắt buộc phải trải qua 3 vòng thi.
PV: Với lực lượng nghiên cứu, lực lượng kỹ thuật, ngoài việc thu nhập đạt mức nào đấy thì người ta cũng có đam mê với việc sáng tạo ra các cái sản phẩm, đấy là những đứa con tinh thần… đấy là yếu tố giữ được anh em. Tôi đã gặp rất nhiều anh em VHT, và mọi người khẳng định một giá trị để giữ chân anh em ở lại Viettel là niềm tự hào được tạo ra những sản phẩm “nỏ thần”, đóng góp vào nền công nghiệp quốc phòng hiện đại cũng như bảo toàn an ninh quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số. Họ gọi đó là Lòng yêu nước. Anh nghĩ gì về Lòng yêu nước ở Viettel?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Chúng ta có nhiều cách thể hiện lòng yêu nước. Với từng vị trí, từng kỹ sư tận tâm với công việc, thể hiện qua chất lượng sản phẩm, qua làm chủ sở hữu trí tuệ, qua những sáng tạo mà từng cán bộ nhân viên (CBNV) đang đóng góp. VHT cung cấp các sản phẩm đảm bảo kỹ thuật cũng như huấn luyện đào tạo, mang lại giá trị thiết thực cho khách hàng và được sử dụng hiệu quả trong quân đội, cho cộng đồng. Trong những năm gần đây, VHT cùng với Tập đoàn Viettel tham gia sâu vào rất nhiều tổ chức công nghệ trên thế giới về 5G, về điện toán đám mây, an ninh mạng... Không chỉ đội ngũ VHT mà tất cả người làm công nghệ tại Viettel đã và đang có những đóng góp quan trọng vào cộng đồng công nghệ thế giới và khẳng định năng lực người Việt Nam trên trường quốc tế.
PV: Đó có phải là lý do Viettel 12 năm năm trước mở rộng hoạt động sang lĩnh vực nghiên cứu sản xuất bao gồm nghiên cứu cả sản phẩm quân sự và dân sự?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Lý do đầu tiên khi bước sang lĩnh vực NCSX đó là Viettel không bao giờ bằng lòng hay thoả mãn với những kết quả đạt được. Theo chu kỳ 10 năm, Tập đoàn sẽ có một hình thức kinh doanh mới ra đời. Hơn nữa, làm chủ lĩnh vực nghiên cứu sản xuất là ước mơ của rất nhiều thế hệ lãnh đạo Viettel, từ Nguyên Tổng Giám đốc Trung tướng Hoàng Anh Xuân, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Đăng Dũng hay đến nay Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tào Đức Thắng. Ước mơ làm chủ nghiên cứu sản xuất là ước mơ tạo ra không gian tăng trưởng mới cho Viettel.
Nhưng sâu xa hơn tôi nghĩ đó là lòng yêu nước. Lịch sử nhân loại cũng cho thấy vai trò quan trọng của khoa học-công nghệ đối với vận mệnh của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm chống ngoại xâm để dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn chú trọng đến hai yếu tố cơ bản là con người và vũ khí. Nếu một đất nước phụ thuộc vào thiết bị nước ngoài hay chỉ lắp ráp, gia công, quốc gia ấy không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình cũng như tiềm ẩn mối đe doạ về an ninh, bảo toàn lãnh thổ.
PV: Những thành tựu đáng kể trong làm chủ khoa học công nghệ của VHT cũng đã góp sức vào việc thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Trên cương vị của mình, anh cảm nhận đâu là sức mạnh nội tại của VHT để làm được điều đó?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Họ có năng lực chuyên môn cao. Đồng thời được rèn luyện trong môi trường, văn hoá Viettel. Văn hoá Viettel đặt ra thách thức, mục tiêu cao nhằm tạo không gian phát triển lớn, cho phép anh em kỹ sư thỏa sức sáng tạo trong phạm vi không gian của mình; đồng thời quản lý hiệu quả mục tiêu công việc, không giám sát hay bó buộc về cách làm.
Đồng thời, tinh thần kiên trì, vượt khó của dân tộc, của người Việt Nam luôn thể hiện trong mọi hành động, mọi công việc của các kỹ sư VHT. Không đầu hàng trước mọi khó khăn, luôn biết tìm tòi, học hỏi và sáng tạo để tự vượt qua giới hạn của bản thân. Tôi có thể lấy ví dụ, nói đến các radar bờ có rất nhiều đơn vị trong Bộ Quốc phòng, các khách hàng, kể cả đối tác nước ngoài đều nói là chúng ta không thể làm được. Kỹ sư VHT rất quyết tâm, mặc dù khi bắt tay nghiên cứu sản phẩm xử lý môi trường trên biển kiến thức của họ gần như là con số 0. Hay như mô phỏng lái máy bay, chu trình phát triển trên thế giới là mua data backit của các nhà nghiên cứu, sản xuất, sau đó xây dựng mô hình đáp ứng theo mô hình động. Nhưng với chúng ta là nước nhỏ, việc mua là không thể, anh em lại loay hoay, tìm tòi rồi quay lại quá trình thiết kế ngược. Nếu gặp khó mà đã dừng bước, không có sự nỗ lực đến cùng của từng người VHT thì không bao giờ có kết quả ngày hôm nay.
PV: Thưa anh, VHT đang ở đâu trên bản đồ công nghệ thế giới?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Viettel tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu 12 năm, ngay từ những ngày đầu theo chỉ đạo của Quân ủy TW, Bộ Quốc Phòng, VHT phải nghiên cứu những công nghệ mới nhất. Về nội lực, VHT cũng là đơn vị sinh ra sau trong các đơn vị nghiên cứu khác nên cần làm chủ công nghệ mới nhất để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển quân đội. Về cạnh tranh, đây là lĩnh vực cạnh tranh cao với doanh nghiệp trong ngoài nước, vì vậy, chỉ có cung cấp những sản phẩm với công nghệ mới nhất VHT mới có thể đủ sức cạnh tranh để cung cấp sản phẩm cho các đơn vị quân đội và xuất khẩu.
Thực tiễn trong những năm vừa qua, các ngành nghiên cứu công nghệ quân sự như lĩnh vực radar, quang điện tử, mô phỏng... VHT đã tiếp cận được những công nghệ mới nhất trên thế giới và điều đó đã được thực tiễn chứng minh hiệu quả. Tính hiệu quả của sản phẩm VHT còn thể hiện qua sự đánh giá cao đến từ thế giới trong Triển lãm Quốc tế Quốc phòng tại Việt Nam vừa qua.
PV: Thưa anh, lĩnh vực Nghiên cứu sản xuất ở Viettel đã khẳng định được thành công và đóng góp vào thành tựu chung của Tập đoàn. Vậy trong năm mới đến, chúng ta có quyền chờ đợi điều gì từ những sản phẩm của VHT?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Hiện nay, các căng thẳng địa chính trị trên thế giới, nhìn về góc độ kinh tế, chúng ta nhận thấy sự ảnh hưởng: đó là giá nguyên vật liệu tăng, chuỗi cung ứng sản xuất ảnh hưởng. Tuy nhiên, khó khăn ấy cũng là vận hội cho VHT. Lúc này, tính tự chủ được nâng lên rất cao, đây là cơ hội cho VHT đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm để cung cấp ra thị trường, cơ hội để VHT vượt lên, chiếm lĩnh thị trường rất lớn.
Ngoài ra, tiếp tục tham gia vào các diễn đàn khoa học công nghệ lớn của thế giới, khẳng định tiếng nói của công nghệ Việt Nam với quốc tế.
PV: Xin anh cho biết về chiến lược dài hạn phát triển của VHT?
TGĐ Nguyễn Vũ Hà: Tầm nhìn Tập đoàn giao cho VHT là đến năm 2030 phải đứng trong top 80 của lĩnh vực CNQP trên toàn thế giới, tức là lúc đó 50% thị trường nội địa và 50% thị trường quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn anh!