Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel nhận định hạ tầng viễn thông công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, nếu Việt Nam tiếp diễn tình trạng đi mua của nước ngoài sẽ không làm chủ được công nghệ và không đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.
Tại Diễn đàn Quốc gia doanh nghiệp công nghệ số 2021, ông Lê Đăng Dũng đã có bài tham luận với nội dung trọng tâm tập trung vào việc Viettel tự chủ trong nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, nền tảng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng hạ tầng số Quốc gia.
Ông Lê Đăng Dũng chia sẻ về chiến lược tự chủ của Viettel trong nghiên cứu, sản xuất công nghệ lõi.
Theo ông Lê Đăng Dũng, khi hạ tầng viễn thông, nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng, trở thành hạ tầng của nền kinh tế số; khi vấn đề an toàn, an ninh mạng trở thành yếu tố sống còn của chuyển đổi số, thì việc làm chủ thiết bị hạ tầng mạng viễn thông và các nền tảng CNTT có ý nghĩa quyết định. Nếu chúng ta đi mua các thiết bị này, chúng ta sẽ không làm chủ được công nghệ, không chủ động được thời gian triển khai, phụ thuộc vào đối tác nước ngoài và khó đảm bảo an toàn mạng lưới; an toàn, an ninh thông tin.
Do đó, Viettel thực hiện chiến lược "Make in Vietnam", tự nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông và hạ tầng số. Đơn vị cho biết tự tin trong nhiệm vụ này bởi có kiến thức công nghệ cao, nguồn tài chính tốt để tự nghiên cứu khoa học; quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng, sẵn sàng chuyển giao công nghệ; thị trường Việt Nam cùng 10 quốc gia khác sẵn sàng sử dụng dịch vụ do Viettel sản xuất. Đồng thời, Viettel luôn vận hành theo phương châm tự tạo ra thử thách và chinh phục để tạo ra bước tiến.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng về các sản phẩm 5G "Made by Viettel" do VHT nghiên cứu và phát triển.
Cách làm của Viettel khi nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng số là làm chủ hệ thống, công nghệ lõi. Không dừng lại ở mức chỉ gia công, sản xuất theo nước ngoài, đơn vị chia hệ thống thành nhiều thành phần và làm chủ từng công đoạn, trước hết là phần mềm, phần cứng và cuối cùng là sản xuất chipset. Chipset là công nghệ lõi của tất cả các sản phẩm viễn thông, CNTT. Do đó, chỉ khi làm chủ công nghệ này, Việt Nam mới thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình.
Hiện, tất cả sản phẩm của Viettel đều theo hướng mở, tạo ra hệ sinh thái giúp cộng đồng phát triển, ứng dụng nền tảng. Đồng thời, doanh nghiệp chủ động đăng ký bằng sáng chế bảo vệ tài sản trí tuệ với các hiệp hội trên thế giới.
Kết quả, Viettel đã làm chủ ba lớp 4G, gồm lõi, truyền dẫn và truy nhập. Với 5G, VT đã phát triển thành công thiết bị thu phát và làm chủ thiết kế hai dòng chipset của công nghệ 5G. Viettel đã có 51 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam và 9 bằng tại quốc tế cùng hàng trăm bằng đang nộp khác. Tương lai, Viettel hướng tới phát triển công nghệ bán dẫn để sản xuất chipset 5G tại Việt Nam và tham gia nghiên cứu 6G, đặt nền móng cho công nghệ vũ trụ - bắt đầu là công nghệ viễn thám.
Cuối cùng, đồng chí đề xuất Chính phủ về sử dụng quỹ Phát triển khoa học công nghệ theo hướng tăng tính chủ động, đồng thời, có các chính sách đặc thù để tận dụng thị trường nội địa. Viettel rất muốn bán sản phẩm cho thị trường trong nước nhưng còn vướng mắc nhiều cơ chế, ông Lê Đăng Dũng cho biết. Cuối cùng là xác định đối tác chiến lược cấp quốc gia, hướng hợp tác về khoa học công nghệ cho doanh nghiệp và nhà nước.