Đã đặt lịch bay “đặc cách” nhưng đến phút chót lại bị hủy, thời gian deadline quá gấp nhưng đối tác chỉ làm được… hai tiếng một ngày, cùng một lúc phải đảm đương nhiều thị trường nước ngoài… Đó là những vấn đề mà kỹ sư Nguyễn Văn Thái, Kỹ sư Hỗ trợ Kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ Sau bán hàng (TTDVSBH), đồng thời cũng là một trong 23 cá nhân xuất sắc VHT nói khi được hỏi về câu chuyện của mình.
OCS - Trái tim nhà mạng, việc tác động, thay đổi bất cứ mặt nào trong hệ thống cũng ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng. Với trường hợp của Thái, con số đó là 11 triệu người dùng Mytel tại Myanmar khi anh được giao nhiệm vụ hỗ trợ chuyển đổi hệ thống vOCS của các thuê bao này từ site 1 sang site 2. Để hoàn thành nhiệm vụ này, anh đã phải vượt qua không ít khó khăn.
Đầu bài khó từ Myanmar
Việc chuyển đổi số lượng thuê bao khổng lồ như vậy là một đầu bài lớn đối với bất kỳ cá nhân nào. Đã chinh chiến tại môi trường quốc tế thường xuyên, kỹ sư Nguyễn Văn Thái hiểu điều này hơn ai hết. Trước đây, chính anh cũng là người đã hỗ trợ chuyển đổi hệ thống vOCS cho nhà mạng Bitel tại Peru đến hai lần. Nhờ những kinh nghiệm này, anh đã được TTDVSBH “chọn mặt gửi vàng” trong chuyến công tác tại Myanmar để có thể hỗ trợ trực tiếp đội ngũ nước bạn.
Đ/c Nguyễn Văn Thái đã hỗ trợ chuyển đổi hệ thống vOCS cho nhà mạng Bitel tại Peru
Vào những tháng đầu năm, tình hình dịch Covid ở cả hai quốc gia đều có những diễn biến phức tạp. Tất cả những chuyến bay thương mại bị đều bị hủy, Ban Tổng Giám đốc đã phải liên hệ với Đại sứ quán Myanmar để sắp xếp lịch bay đặc cách cho người kỹ sư sinh năm 1990. Đến khi mọi sự dàn xếp đã xong xuôi, lịch bay đã được ấn định, thì chính biến tại Myanmar nổ ra. Anh Thái nhớ lại:
“Lúc đó mình cũng lo lắng vì không làm việc trực tiếp được. Đúng lúc đó, mình cũng nhận tin các bạn Myanmar gặp nhiều khó khăn trong việc test, như các vấn đề liên quan tới sim chẳng hạn. Nếu gặp được thì giải quyết dễ dàng hơn, nhưng phải làm việc từ xa nên việc hỗ trợ lẫn nhau rất khó.
Có những lúc, vì những diễn biến chính trị mà mình được yêu cầu tắt hệ thống, cả vOCS site 1 và site 2. Khi ấy mình vừa phải hỗ trợ các vấn đề của cả hai site, vừa phải bảo đảm làm sao tiến độ công việc của site 2 không bị ảnh hưởng”.
Mytel - công ty của Viettel tại Myanmar.
Những chính biến chẳng những ảnh hưởng về chuyến bay sang nước bạn, mà còn ảnh hưởng lớn tới toàn bộ hệ thống hạ tầng công việc, thậm chí tinh thần đối tác. Người kỹ sư VHT nói:
“Làm việc từ xa với các bạn bản địa Myanmar rất khó khăn. Không những chỉ là cách biệt về mặt thời gian mà còn các vấn đề dịch bệnh, chính trị khiến họ chỉ làm được hai tiếng mỗi ngày vào khung giờ cố định. Có người còn không thể liên lạc được, nghe bảo họ đi biểu tình (cười). Cuối cùng cũng chỉ còn các bạn Việt Nam bên đó hỗ trợ là chủ yếu”.
Nhưng, dù là người Việt hay Myanmar, việc nói chuyện giữa kỹ sư hệ thống và kỹ sư kiểm thử luôn xảy ra vấn đề… bất đồng ngôn ngữ, ở đây là ngôn ngữ lập trình. Các kỹ sư kiểm thử mô tả lại vấn đề theo cách của mình khiến những kỹ sư ở Việt Nam không hiểu được, gây nhiều khó khăn. “Đây cũng là một trong những vấn đề mà nếu tới đó trực tiếp thì sẽ giải quyết dễ hơn rất nhiều”, anh Thái cảm thán.
Linh hoạt giải quyết vấn đề
Đứng trước thực trạng đó, người kỹ sư sinh năm 1990 chỉ còn cách giải quyết vấn đề theo cách linh động nhất. Trước khi vào quá trình kiểm thử, anh đã trao đổi trước với thị trường:
“Nhìn tình hình như vậy thì mình cũng phải thống nhất trước với bên đó, nhờ họ linh hoạt trong việc giải quyết các lỗi. Mình đã trao đổi để tối ưu lại còn ít trường hợp cần kiểm thử nhất, chọn ra những bài test đơn giản nhất mà vẫn bao hết được hệ thống. Làm điều này vì mình cần tiết kiệm thời gian test, vì càng tối ưu được các trường hợp này thì mình càng đỡ mất thời gian làm việc với các bạn bản địa, vì phối hợp trong một lần kiểm thử như vậy là rất mất thời gian. Tối ưu được bài nào là đỡ kha khá thời gian bài đó rồi”.
Họ cũng đã tạo điều kiện cho mình rất nhiều, do đó mình cũng linh hoạt nhất có thể cho thị trường thôi. Khó đến mấy thì cũng sao khó bằng thị trường được!
Ngay cả khi tối ưu được thời gian test, người kỹ sư VHT vẫn phải bỏ ra nhiều công sức để làm việc với đối tác nước ngoài. Có những ngày, anh nói, “do thị trường gặp khó khăn nên mình ưu tiên thời gian sắp xếp của họ, hôm nào bên test phải test muộn hơn thì mình cũng cố gắng ở lại đến lúc nào bạn ấy dừng test thì mình mới dừng. Gặp phải bài nào khó quá thì mình nhờ các bạn người Việt hỗ trợ ngoài giờ, còn những trường hợp nào xong được thì phải xong luôn để giúp các bạn bên đó đóng việc. Có những hôm phải chạy việc, sáu rưỡi, bảy giờ tối mà các bạn mới thông báo test thì mình vẫn lên công ty hỗ trợ như bình thường”.
Nói về những giờ làm thêm nhưng anh Thái lại cười: “Cũng phải hiểu cho họ. Họ cũng có nhiều khó khăn bất khả kháng và cũng đã tạo điều kiện cho mình rất nhiều, do đó mình cũng linh hoạt nhất có thể cho thị trường thôi. Khó đến mấy thì cũng sao khó bằng thị trường được!”.
Sự lạc quan, thông cảm với đồng nghiệp là điều dễ thấy từ những câu nói, hành động của anh Thái. Trước đây, tại Peru, ngay cả trong quá trình chuyển tải vất vả, người kỹ sư VHT vẫn kịp tham gia cuộc chạy việt dã dài tới 21km tại nước bạn. Còn trong thời điểm đại dịch, ngay cả những ngày làm việc xuyên đêm cũng thành những kỷ niệm vui:
“Nhớ có hôm đang cắt chuyển sang hệ thống site 2 thì biết đội VTNET trong Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phải làm online vì dịch, mà bên phòng mình cũng có ba dự án cùng làm đêm. Thế là đêm đó có tận 15, 20 đồng chí ở mấy đầu cầu liền cùng thực hiện tại phòng tác động tập trung. Dù rất đông như vậy nhưng lại mỗi người lại không hề bị ảnh hưởng bởi dự án của người khác chút nào, thậm chí còn vui vì nhận ra được khó khăn, vất vả của đồng đội”.
Ảnh kỷ niệm trong chuyến việt dã tại Peru
Lạc quan với những dự án mới
Từ chính sự linh hoạt và tinh thần lạc quan đó, người kỹ sư VHT đã thành công trong việc chuyển tải 11 triệu thuê bao Mytel. Với kết quả đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo KPI hệ thống, anh đã góp phần chống quả tải hệ thống vOCS Mytel site 1, từ đó hoàn thành hợp đồng với khách hàng. Nhìn về những thành công này, VHT-er khối 2 khiêm tốn nói:
“Mình thấy rất vui vì đã góp được một phần công sức để khẳng định sản phẩm vOCS là một sản phẩm chất lượng, được đánh giá cao khi đứng cạnh các ông lớn đã khẳng định được vị thế trước đây như Huawei, ZTE,… nâng cao thương hiệu về năng lực và sản phẩm VHT, cũng như đóng góp vào doanh thu chung cho TCT trong năm nay”.
Trong cùng thời gian giải quyết vấn đề vOCS tại Myanmar, anh Thái còn đảm bảo hỗ trợ kỹ thuật 8 yêu cầu CSR cho các thị trường ngoại và trong nước, hoàn thành ký biên bản xác nhận dịch vụ 6 tháng đầu năm cấp TCT cho ba thị trường Lào, Haiti và Peru… Người VHT ham “ôm việc” này còn chia sẻ về những dự định cũng chẳng kém khổng lồ trong tương lai:
“Trong tương lai, mình và nhóm của mình sẽ cố gắng hoàn thành các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm cũng như đảm bảo các hệ thống vOCS mà bên mình đã triển khai chạy tốt, ngày càng đạt được sự tin cậy của khách hàng.
Về cá nhân thì sẽ mình sẽ cố gắng hỗ trợ các thị trường nhiệt tình, tận tâm để các đối tác đã mua và sử dụng sản phẩm của mình hài lòng với sản phẩm cũng như chính sách hỗ trợ sau khi triển khai. Năm nay bên mình cũng đang đàm phán với nhà mạng Mobicast về việc mở rộng hệ thống từ 500 nghìn lên 2 triệu, đây là 1 dự án mình làm PM từ lúc triển khai dự án 500 nghìn đến hiện tại nhà mạng này đang có mong muốn mở rộng thêm. Đây là nhà mạng ngoài, tư nhân, không phải của Viettel nên mình nghĩ đây là cơ hội tốt để khẳng định sản phẩm của mình, vươn được tầm cao mới, vì vậy mình cũng sẽ tập trung hết sức cho dự án này để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ”.