Sáng tạo, đổi mới cũng như ứng dụng tri thức sáng tạo của nhân loại là tài sản trí tuệ (TSTT) vô hình, nếu biết khai thác và sử dụng đúng đắn sẽ đem lại lợi ích vô cùng lớn cho một tổ chức.
Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao, thành viên của Tập đoàn công nghiệp-viễn thông quân đội (Tcty) là đơn vị hàng đầu về nghiên cứu các sản phẩm quân sự, dân sự và lưỡng dụng công nghệ cao của Việt Nam. Với tầm nhìn mục tiêu trở thành hạt nhân của tổ hợp công nghiệp công nghệ cao, góp phần đưa ngành công nghiệp công nghệ cao Việt Nam vươn tầm thế giới, Tổng công ty xác định rõ hoạt động đổi mới, sáng tạo là cực kỳ quan trọng, là yếu tố sống còn trong những năm sắp tới.
Từ năm 2016, Ban lãnh đạo đã xác định việc nhận diện và bảo hộ các tài sản trí tuệ trong tổ chức là vô cùng quan trọng. Chúng tôi đã phát động hoạt động nhận diện và đăng ký sáng chế đến toàn bộ kỹ sư nghiên cứu các đề tài dự án. Cơ chế chính sách của Tập đoàn cũng đã động viên khuyến khích các kỹ sư của Tổng công ty tích cực đăng ký các giải pháp kỹ thuật làm sáng chế, giải pháp hữu ích, xem đó như là tài sản trí tuệ của Viettel. Toàn Tổng công ty đã đăng ký 20 sáng chế trong đó 19 sáng chế từ khối quân sự và 1 sáng chế từ khối dân sự.
Sang năm 2017, sau các hội thảo về Sở hữu trí tuệ và tăng cường truyền thông đến các kỹ sư, Tổng công ty đã đăng ký 34 sáng chế, gấp 1,5 lần so với 2016. Trong khi khối quân sự vẫn giữ đà tăng trưởng (có 27 sáng chế), thì khối dân sự có sự phát triển ngoạn mục, tăng 7 lần so với năm 2016 (có 7 sáng chế). Đặc biệt, Tổng công ty có 1 sáng chế đăng ký thành công tại Mỹ - một đất nước có nền khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, khẳng định việc bảo hộ tài sản trí tuệ của Viettel tại các nước phát triển là khả thi.
Năm 2018 tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng hoạt động đổi mới sáng tạo khi Tổng công ty đã đăng ký thành công 45 sáng chế trong nước và 6 sáng chế quốc tế, vượt kế hoạch Tập đoàn giao. Tổng công ty đã đón nhận những thành quả sau 3 năm phát động hoạt động xác lập và bảo hộ tài sản trí tuệ với việc có 2 sáng chế và 1 kiểu dáng công nghiệp được cấp bằng bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.
Số lượng các sáng chế đăng ký trong nước qua các năm của Tổng công ty thể hiện trên Hình 1.
Nếu nhìn ở bình diện quốc gia, số lượng sáng chế đăng ký trong nước của Tổng công ty có thị phần tăng hàng năm so với tổng số sáng chế của các tổ chức, cá nhân Việt Nam (Hình 2).
Tổng công ty cũng là tổ chức đứng hạng top đầu các đơn vị Việt Nam có sáng chế đăng ký. Năm 2017 và 2018, Tổng công ty đứng trong top 2 về số lượng đăng ký sáng chế trong nước, tương đương với Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, xếp trên các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia Hò Chí Mính.
Tổng công ty đặt mục tiêu trong những năm tới phải khẳng định sự sáng tạo của mình trên trường quốc tế. Các sáng chế đăng ký và được cấp bằng tại thị trường các nước phát triển như Mỹ, EU hay Nhật sẽ là sự minh chứng cho tri thức của người Việt Nam. Năm 2018 là bước đi hội nhập đầu tiên khi Tổng công ty đăng ký 6 sáng chế tại Mỹ.
Bên cạnh đó, để tiến kịp và hòa nhập với cộng đồng nghiên cứu khoa học quốc tế, cũng như nâng cao hình ảnh của mình, Tổng công ty đã có nhiều công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học quốc tế có uy tín.
Bắt đầu với con số 0 của năm 2016, từ 2017 Tổng công ty đã có 14 bài báo quốc tế của khối quân sự đăng trên các tạp chí, hội nghị quốc tế.
Năm 2018, khối dân sự cũng đã có 4 công bố quốc tế, đưa tổng số công bố quốc tế năm 2018 của Tổng công ty lên con số 20.
Các tạp chí và hội nghị, tại đó đăng tải các công bố nghiên cứu của Tổng công ty đảm bảo chất lượng chuyên môn tối thiểu: các tạp chí phải thuộc hệ thống ISI (The Institute for Scientific Information) của Thomson Reuters, các hội nghị phải có chỉ số H-index và SJR nhất định theo xếp hạng cơ sở dữ liệu Scopus của Elsevier.
Sang năm 2019, Tổng công ty đặt mục tiêu khai thác toàn diện các sáng chế/kiểu dáng đã được bảo hộ, tiếp tục nhận diện và đăng ký ở mức tối đa các sáng chế/kiểu dáng mới nhằm bảo vệ những tài sản trí tuệ đã được tạo ra trong quá trình nghiên cứu sản xuất, đóng góp cho hoạt động Sở hữu trí tuệ của Viettel nói riêng và của Việt Nam nói chung. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh đăng ký các sáng chế ở Mỹ và các thị trường có tiềm năng. Với các công bố quốc tế, để nâng cao chất lượng nghiên cứu, bên cạnh việc tiếp tục tham gia các Hội nghị uy tín, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh công bố các công trình trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI, SCOPUS…
Để có thể hoàn thành các nhiệm vụ trên, Tổng công ty tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nhất quán theo đuổi chiến lược Sở hữu trí tuệ tổng thể và hội nhập quốc tế về KHCN, tập trung vào các nội dung: Nhận thức, Pháp lý, Mô hình-Bộ máy và Quản trị-Khai thác, đưa Tổng công ty thành một tổ chức tri thức, có vai trò ngày càng lớn ở Việt Nam và thế giới.