Kết quả này có được sau khi VHT trải qua quy trình đánh giá nghiêm ngặt với hơn 20.000 bài đo kiểm về tính năng, hiệu năng của thiết bị. Đây là dấu mốc quan trọng bởi Site Router là mảnh ghép cuối cùng trong Hệ sinh thái 5G mà Viettel hoàn toàn làm chủ 100% từ nghiên cứu đến sản xuất. Hiện nay, Viettel là công ty thứ 6 trên thế giới có sản phẩm 5G hoàn chỉnh và cũng là công ty duy nhất trên thế vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất thiết bị mạng.
Sơ đồ hạ tầng mạng viễn thông 5G.
Hạ tầng mạng viễn thông được cấu thành từ ba thành phần chính: mạng vô tuyến, mạng lõi và mạng truyền dẫn. Trong giai đoạn 2015-2019, Viettel đã hoàn thiện nghiên cứu và sản xuất trạm thu phát sóng, các hệ thống tổng đài mạng lõi. Năm 2017, Viettel đã làm chủ hoàn toàn các hệ thống tổng đài mạng lõi bao gồm hệ thống tính cước thời gian thực OCS, tổng đài thoại, tin nhắn, data. Hiện nay, Viettel cũng đã phát triển thành công mạng lõi hỗ trợ 5G. Tiến tới trong năm 2021, VHT hoàn thiện thành phần còn lại - mạng truyền dẫn, bằng việc nghiên cứu thành công sản phẩm truyền dẫn Site Router. Sự kiện này đánh dấu Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đã nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện miếng ghép cuối cùng của hạ tầng viễn thông, tiến tới làm chủ hệ sinh thái mạng 5G.
Site Router là cổng kết nối mạng vô tuyến 4G, 5G với mạng lõi của nhà mạng viễn thông. Thiết bị này được ví như người dẫn đường và bảo vệ cho các mạch máu sợi truyền dẫn lan tỏa đi khắp hệ thống viễn thông. Nhờ làm chủ thiết bị Site Router, hệ thống mạng viễn thông được đảm bảo an toàn, thông suốt và ổn định.
Với vai trò đặc biệt quan trọng, thiết bị Site Router có yêu cầu rất cao về độ tin cậy, khả năng chịu tải, đảm bảo độ trễ thấp và khả năng khôi phục dịch vụ nhanh. Trước khi được đưa vào vận hành, Site Router Make in Viettel phải trải qua quy trình đánh giá nghiêm ngặt với hơn 20.000 bài đo kiểm về tính năng, hiệu năng của thiết bị, đã được Cục Tần số vô tuyến điện của Bộ Thông Tin và Truyền thông đánh giá và cấp chứng chỉ hợp chuẩn số QCVN 118:2018/BTTTT.
Trước đó, vào năm 2020, Viettel đã nghiên cứu chế tạo sản phẩm trạm thu phát sóng 5G Micro gNodeB, thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Viettel. Việc làm chủ công nghệ trên thiết bị truyền dẫn Site Router sẽ là chìa khóa để Viettel mở rộng phát triển toàn bộ hạ tầng truyền dẫn bao gồm thiết bị truyền dẫn cho mạng lõi viễn thông, mạng doanh nghiệp và các thiết bị thiết yếu cho mạng 5G.
Ngày 17/01/2020, Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Viettel sau khi nghiên cứu và phát triển thành công sản phẩm trạm thu phát sóng 5G Micro gNodeB. 5G small Cell là thành phần quan trọng cấu thành mạng truy cập vô tuyến, giúp kết nối các thiết bị di động với mạng lõi.
Sự kiện đánh dấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới. Công nghệ 5G do Viettel triển khai đồng hành với lộ trình chuẩn hóa của tổ chức 3GPP.
Trong năm 2021, Viettel sẽ có một hệ sinh thái 5G make in Viettel với các thành phần chính: small Cell 5G (thuộc mạng truy cập vô tuyến), thiết bị truyền dẫn site router 5G và mạng lõi hỗ trợ 5G. Việc làm chủ 5G không những được xem là động lực trong hành trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia số mà còn có ý nghĩa chiến lược bảo vệ an ninh tổ quốc trên không gian mạng.
Viettel chính thức khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G, là nhà mạng đầu tiên cung cấp 5G cho khách hàng tại Việt Nam.
Năm 2021, Viettel tiếp tục triển khai kế hoạch phủ sóng 5G trên toàn quốc, đầu tiên tại các tỉnh, thành phố lớn.
Việt Nam xác định ngành ICT, ngành công nghệ số là mũi nhọn để đưa đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng, vì vậy mục tiêu của chính phủ là làm chủ nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, gia nhập nhóm 5 quốc gia sản xuất hầu hết các thiết bị viễn thông. Hiện nay, Viettel là công ty thứ 6 trên thế giới có sản phẩm 5G hoàn chỉnh và cũng là công ty duy nhất trên thế vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất thiết bị mạng.