Trong thập niên 1990, nhờ sự mạnh dạn và chủ động với 2G, Việt Nam đã từng lọt top 20 thế giới. Nhưng khi chuyển sang công nghệ 3G/4G, vì sự đi sau về công nghệ và thiếu yếu tố cạnh tranh mới mà viễn thông Việt Nam đang xếp hạng thứ 115/193 về mật độ thuê bao di động băng rộng, theo xếp hạng của ITU năm 2017, tức là mức dưới trung bình của thế giới. Đứng trước nguy cơ bị các quốc gia khác trên thế giới bỏ xa, Chính phủ và các doanh nghiệp công nghệ – viễn thông đã vào cuộc nhanh chóng, Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho cuộc đua Mạng di động thế hệ thứ 5.
Vượt qua chướng ngại
Vào tháng 6 năm 2019, đ/c Nguyễn Chí Linh – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng VHT được giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu và phát triển trạm thu phát gốc vô tuyến 5G gNodeb. Đ/c Linh chia sẻ:” Ngay sau khi nhận được sự tin tưởng từ ban Tổng Giám đốc, nhóm nghiên cứu 5G gNodeb đã được thành lập với tôn chỉ đầu tiên là phải đoàn kết. Về mặt nhân sự, nhóm dự án lần này là sự tổng hợp của 2 nhóm dự án chưa hề có liên hệ với nhau trước đây, một nhóm nghiên cứu tiền khả thi 5G, nhóm còn lại thì vừa hoàn thiện nghiên cứu 4G. Chính vì vậy, nếu không có sự đoàn kết, nắm rõ nhiệm vụ thì chắc chắn dự án 5G này sẽ không thể thành công khi mà mục tiêu đặt ra cho nhóm là rất thách thức”. Trong tay nhóm dự án lúc đó gần như không có nhiều nguồn tham khảo và nếu có thì cũng chỉ là những đoạn code rời rạc.
“Rất may là chỉ sau 3 tháng, tức tháng 9 năm 2019, nhờ có sự quyết liệt chỉ đạo của ban Tổng Giám đốc cũng như sự nỗ lực của nhóm dự án thì thỏa thuận hợp tác đầu tiên với đối tác Ấn Độ về nền tảng phần mềm cho lớp sóng 5G. Đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu cuộc gọi 5G đầu tiên” – Đ/c Nguyễn Chí Linh nói thêm.
Theo đồng chí Lê Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Vô tuyến băng rộng thuộc VHT, với kinh nghiệm tự nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm thu phát sóng 4G - cNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi về 5G trước đó, đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12-2019). Và vào ngày 17 tháng 1 năm 2020, nhóm nghiên cứu sau thời gian vất vả không quản ngày đêm làm việc đã gặt hái được những thành quả đầu tiên. Viettel đã chính thức thực hiện thành công cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do người Việt tự sản xuất. Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp Viettel chủ động trong việc triển khai 5G cho mạng di dộng của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm, nhằm tạo ra những trải nghiệm 5G tốt nhất cho khách hàng.
Thành công này cho thấy, Việt Nam bắt kịp công nghệ thế giới. Hiện nay, trên thế giới, có năm công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ sáu trên thế giới sản xuất thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa sản xuất các thiết bị mạng.
Từ thành công đầu tiên, nhóm dự án càng có thêm động lực để chinh phục những chướng ngại tiếp theo. Vào tháng 7/2020, hoàn thiện việc triển khai thiết bị trên mạng lưới thực tại trụ sở của bộ Thông tin – Truyền thông và thiết bị tại thời điểm đó đạt tốc độ trên 500MB/s.
Trưởng thành và phát triển
Khi Viettel chính thức triển khai kinh doanh thử nghiệm 5G vào 30/11/2020, theo đ/c Linh thì đây mới chỉ là bước khởi đầu, cho đến khi nào sản phẩm phải chính thức đưa vào vận hành và kinh doanh được thì tới lúc đó mới có thể coi là hái được trái ngọt. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận niềm tự hào của những con người tham gia nghiên cứu, sản xuất các thiết bị liên quan tới 5G tại TT VTBR vì ngay từ đầu khi triển khai, đã có thiết bị do Viettel nghiên cứu được sử dụng trong giai đoạn này, đúng với mục tiêu 5G “Make in Viet Nam” và Made by Viettel. Từ đó có thể khẳng định rằng, Viettel là nhà mạng tiên phong trong việc nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, thử nghiệm và từng bước tiến tới thương mại hóa 5G, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận công nghệ này, tạo được vị thế trong việc làm chủ, ứng dụng công nghệ mới và đi đầu trong chuyển đổi số.
Chủ tịch Tập đoàn chỉ đạo tháng 6/2021 Viettel phát triển trạm phát sóng 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Đây là môt mục tiêu cao vì vậy nhóm dự án 5G đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành nghiên cứu cho sản phẩm Macrocell với vùng phủ sóng rộng hơn và số lượng ăng ten lớn hơn để đến tháng 6/2022, sản phẩm Macrocell cũng sẽ sẵn sàng để đưa vào kinh doanh. Bài toán được Chủ tịch Tập đoàn đặt ra không hề dễ giải tuy nhiên với tinh thần khởi nghiệp, hành động quyết liệt và bám mục tiêu, nhóm dự án 5G nhất định phải làm bằng được và sẽ đảm bảo tiến độ nghiên cứu để hiện thực hóa giấc mơ 5G Made by Viettel và Make in Vietnam. Xuyên suốt cuộc hành trình từ khi dự án bắt đầu với đầy rẫy khó khăn, nhóm nghiên cứu đã cùng nhau tìm tòi, chịu khó học hỏi không kể ngày đêm để đến hiện tại, những khúc khải hoàn đầu tiên đã được vang lên khi lần đầu tiên, những sản phẩm do chính người VHT làm ra đã được sử dụng và triển khai ngay khi kinh doanh thử nghiệm. Đội ngũ nghiên cứu cũng cho biết: "Trong tương lai, nhóm sẽ cố gắng hơn nữa, sát cánh cùng nhau để đập tan những chướng ngại, thách thức phía trước và hướng tới việc hoàn thành được giấc mơ 5G, mang những khao khát của người trẻ, mang niềm tự hào dân tộc giúp cho xã hội Việt Nam ngày càng thông minh hơn".
Song song với đó VHT cũng xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên “Hệ sinh thái công nghệ 5G” phát triển và sản xuất tại Việt Nam; trước mắt sẽ ứng dụng cho các công nghệ như ô tô tự lái, bao phủ các khu nghiên cứu, nhà máy thông minh sử dụng robot, các khu nghỉ dưỡng, nhà ở thông minh. Đây cũng sẽ là tiền đề mở ra cơ hội để Viettel và VHT có thể kinh doanh những dịch vụ, sản phẩm chưa hề có tiền lệ tại Việt Nam cũng như khẳng định vị thế tiên phong của Viettel trên con đường kiến tạo xã hội số với nền tảng là công nghệ 5G.
Viettel nhận định, 5G với khả năng hỗ trợ tốc độ cao vượt trội, độ trễ cực thấp (chỉ vài ms) và mật độ kết nối khổng lồ (hàng triệu kết nối/km2) sẽ thay đổi cơ bản cách thức vận hành của xã hội số trong tương lai. Công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam đã được đặt lên một bệ phóng với lực đẩy rất mạnh mẽ với đầu tàu là những con người thầm lặng nhưng luôn cháy bỏng nhiệt huyết tại Trung tâm Vô tuyến băng rộng của VHT.